Cuốn sách Phân tích tác phẩm Ngữ văn 12 là một tài liệu hỗ trợ học tập, tìm hiểu môn Ngữ văn theo phương pháp tích cực. Các bài phân tích được triển khai theo cấu trúc hai phần như sau:
I. Những tri thức bổ trợ.
Phần này trình bày những kiến thức bổ trợ về nhiều phương diện, thường là các kiến thức văn hóa, lịch sử, triết học, tôn giáo... có liên quan đến tác phẩm. Đã đành phân tích tác phẩm văn học bao giờ cũng là phân tích chính văn bản với cấu trúc, hình tượng, ngôn ngữ của nó. Nhưng nếu người đọc biết các kiến thức bổ trợ cần thiết bên ngoài tác phẩm thì chắc chắn quá trình phân tích tác phẩm sẽ thuận lợi hơn. Chẳng hạn, nếu ta thêm về diễn từ mà Sô-lô-khốp đọc khi nhận giải thưởng No-ben về văn học thì sẽ hiểu sâu sắc hơn tác phẩm Số phận con người của ông. Hay việc làm quen với "nguyên lí núi băng" của Ơ-nít Hê-minh-uê sẽ giúp hiểu cách kể chuyện của ông trong truyện Ông già và biển cả. Lần đầu tiên chúng tôi mạnh dạn đưa vài thông tin về Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mĩ để gợi cảm hứng so sánh, chỉ ra sự uyên bác, lịch lãm, một số sáng tạo quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi viết Tuyên ngôn độc lập. Tất nhiên, phần kiến thức bổ trợ có sự biến hóa linh hoạt, chứ không cứng nhắc, tùy theo văn bản tác phẩm thuộc phạm vi nào (văn học trung đại, văn học hiện đại, văn học nước ngoài) mà cung cấp kiến thức bổ trợ cần thiết.
II. Phân tích tác phẩm (đoạn trích).
Trong phần này, người biên soạn cố gắng đưa ra cách nhìn đa chiều, nhiều cấp độ đối với một tác phẩm được học ở Ngữ văn 12 (Chương trình chuẩn). Luôn tính đến đặc thù riêng của mỗi tác phẩm để đưa ra một cách phân tích thích hợp là chủ trương của người viết. Một đoạn trích đòi hỏi có cách phân tích riêng so với tác phẩm hoàn chỉnh, một truyện ngắn chỉ có một nhân vật chính như Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) sẽ được phân tích khác với truyện ngắn có nhiều nhân vật như Thuốc (Lỗ Tấn)... một bài thơ viết theo bút pháp thơ siêu thực như Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo) hiển nhiên cần áp dụng cách đọc khác với bài thơ Đò lèn (Nguyễn Duy). Nói chung tác giả cố gắng đưa ra cách tiếp cận có tính đến đặc trưng thể loại và các yếu tố hình thức khác trong khi vẫn chú ý bám sát các yếu tố nội dung. Thuốc, Số phận con người là những trường hợp chúng tôi có tham khảo phần nào cách giảng trong những trường phổ thông ở Trung Quốc, Nga. Một số cách hiểu ở Mĩ với truyện Ông già và biển cả cũng được tham khảo và giới thiệu cùng bạn đọc.